Cần Thơ: Đa dạng ngư cụ khai thác thủy sản mùa lũ (09-09-2024)

Thời điểm này, hoạt động sản xuất kinh doanh ngư cụ tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ khá sôi động. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ còn thuê thêm nhân công, tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của thị trường.
Cần Thơ: Đa dạng ngư cụ khai thác thủy sản mùa lũ
Ảnh minh họa

Những năm qua, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm đã sản xuất quanh năm nhằm luôn có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, bước vào mùa nước nổi (mùa lũ), từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, hoạt động sản xuất kinh doanh ngư cụ tại làng nghề thường nhộn nhịp hơn bởi nhu cầu tăng cao. Những năm gần đây, ÐBSCL không còn lũ lớn như trước kia. Dù vậy, vào mùa lũ, người dân tại nhiều địa phương vẫn tìm mua các loại ngư cụ để đánh bắt thủy sản nhằm cải thiện bữa ăn của gia đình và nếu đánh bắt được nhiều thì đem bán kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, các loại cá đồng, cua ốc, lươn, ếch,... ngày càng bán được giá cao và được chế biến thành nhiều món đặc sản.

Ðiều này cũng đã tạo điều kiện cho nhiều loại ngư cụ có sức mua tăng vào mùa lũ. Các loại ngư cụ tại làng nghề được nhiều cơ sở sản xuất quanh năm và được khách hàng từ nhiều tỉnh, thành trong nước đến mua quanh năm. Tuy nhiên, vào các tháng mùa lũ, sức mua tăng hơn nhiều, nhiều người dân tại các tỉnh, thành vùng ÐBSCL có nhu cầu mua ngư cự để đánh bắt thủy sản trong mùa lũ. Do nhiều công đoạn trong quá sản xuất các loại ngư cụ còn phải làm thủ công bằng tay, nên nhiều cơ sở phải thuê mướn thêm lao động để tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ thị trường vào mùa lũ và những lúc nhu cầu tăng".

Mùa lũ thường có nhiều loại cá đồng và thủy sản nước ngọt để đánh bắt và cũng thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản nên nhiều người dân có nhu cầu mua lưới và các loại ngư cụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, làng nghề cũng tăng cường sản xuất các loại ngư cụ phục vụ nuôi trồng và đánh bắt cá biển. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ được rộng mở, tạo điều kiện để nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ đẩy mạnh sản xuất và thuê mướn thêm nhân công, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Sức mua nhiều loại ngư cụ đã tăng khoảng 10-15% so với tháng trước và dự kiến còn tăng trong thời gian tới khi nước lũ về nhiều và lúa vụ thu đông 2024 tại nhiều nơi được thu hoạch, nhiều cánh đồng mở đê bao cho nước lũ tràn lên đồng, thuận lợi cho đánh bắt thủy sản. Bên cạnh sản xuất và kinh doanh các loại ngư cụ phục vụ đánh bắt cá nước ngọt, hiện cơ sở cũng có nhiều loại ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển. Hiện nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm đã sản xuất và đưa ra thị trường hàng chục loại ngư cụ khác nhau với giá cả đa dạng (tùy kích cỡ, chủng loại, chất liệu).

Ông Phạm Phước Phong, chủ tiệm lưới Năm Tấn ở Làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cho biết, tiệm lưới của ông và nhiều cơ sở tại làng nghề có thể sản xuất được hàng chục loại ngư cụ khác nhau, trong đó tập trung nhiều là các loại lưới giăng cá và thủy sản, các loại chài, lú, lờ, câu... Nhiều loại lưới và ngư cụ được sản xuất tại làng nghề đã khẳng định uy tín chất lượng được người dân gần xa ưa chuộng vì nhạy dính cá và rất bền. Nhờ hiệu quả đánh bắt cá rất cao và có giá cả phải chăng mà nhiều loại ngư cụ phục vụ đánh bắt cá nước ngọt của làng nghề đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Riêng các loại lú và ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển của làng nghề đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành ven biển từ Cà Mau đến Ðà Nẵng.

So với năm trước, hiện giá bán nhiều loại ngư cụ vẫn khá ổn định, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu đánh bắt thủy sản. Gần đây dù giá nhân công và một số nguyên, vật liệu đầu vào có tăng nhưng nhiều cơ sở vẫn cố gắng giữ ổn định giá bán ngư cụ nhằm thu hút khách hàng và mong muốn tăng lợi nhuận từ việc tăng số lượng hàng bán ra. Hiện thị trường có sự cạnh tranh của nhiều người sản xuất ngư cụ tại nhiều địa phương trong nước và cạnh tranh cả với một số loại ngư cụ nhập ngoại.

Làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng hiện có 40 hộ tham gia sản xuất chính và 470 hộ tham gia gia công cho các hộ sản xuất chính, tập trung ở khu vực Tân Lợi 1, Tân Lợi 2. Làng nghề đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.000 lao động chuyên nghiệp và khoảng 2.200 lao động thời vụ. Năm 2023, doanh thu của làng nghề ước đạt 83 tỉ đồng (tăng 10% so với năm trước).

Ngọc Thúy (theo Báo Cần Thơ)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác